Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Người thầy Nhật tận tâm với bóng đá trẻ Việt Nam

Đến và làm việc ở Việt Nam đã được 2 năm nhưng Masakuni Yamamoto - cựu HLV đội U23 Nhật Bản - đã cảm thấy gắn bó và muốn đóng góp một phần công sức để phát triển bóng đá nơi đây.


Người thầy Nhật tận tâm với bóng đá trẻ Việt Nam
Ông Yamamoto trực tiếp huấn luyện các em nhỏ ở trại hè bóng đá Yamaha.

Năm nay là mùa hè thứ hai Yamamoto sang Việt Nam, nơi có hàng trăm em nhỏ trong độ tuổi từ 6-10 háo hức chờ đợi ông trong trại hè bóng đá thường niên của Yamaha Motor Việt Nam.

Sinh năm 1958 ở Shizuoka, Yamamoto được sống và tôi rèn trong những năm tháng khó khăn của Nhật Bản vì hậu quả của thế chiến thứ hai cho đến khi trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Trên phương diện của một cầu thủ, ông cũng là chứng nhân của quá trình phát triển thần kỳ từ một đất nước thấp cổ bé họng trở thành niềm tự hào của bóng đá châu Á.

Bởi vậy, khi sang Việt Nam làm việc, Yamamoto cảm nhận được những tương đồng với Nhật Bản trước đây, từ bối cảnh xã hội cho đến bóng đá. Sự gắn kết trong ông vì thế cứ lớn dần lên từng ngày.

"Tôi không chỉ muốn giảng dậy những nguyên tắc hay những bài học đơn thuần bóng đá", ông nói. "Thông qua trại hè, tôi còn muốn dạy cho các em cách tư duy, tính độc lập và niềm đam mê với trái bóng".

"Ở đất nước các bạn, bóng đá dường như chỉ bắt đầu với những cô bé, cậu bé 11 tuổi trở lên. Nhưng qua những kinh nghiệm sàng lọc trong một quá trình dài, tôi tin rằng độ tuổi từ 6 đến 10 mới là căn bản nhất để bắt đầu làm quen với môn thể thao này. Đó là độ tuổi bản lề, và cần được tạo một nền tảng tốt để sự phát triển đạt đến tối ưu".

Người thầy Nhật tận tâm với bóng đá trẻ Việt Nam
Các em nhỏ sẽ được đài thọ chi phí huấn luyện, sân bãi, trang phục... cho các hoạt động có liên quan đến chương trình.

Đó là lý do khi sang Việt Nam, ông đã tư vấn cho các nhà tổ chức chọn lứa tuổi "ăn chưa no, lo chưa đến" này để huấn luyện, dù khối lượng công việc và tâm huyết bỏ ra nhiều hơn bội phần.

Cựu tuyển thủ Nhật Bản bảo rằng dạy những đứa trẻ 11 tuổi trở lên rất dễ vì đó là độ tuổi đã "biết sợ" và "nói gì nghe nấy", nhưng ở lứa nhỏ hơn các em còn mải chơi và rất chóng quên nên những biện pháp phải thật đặc biệt, phải biết kết hợp giữa nghiêm khắc với dỗ dành, mềm dẻo. "Công sức bỏ ra 10 nhưng đôi khi chỉ mong các em hiểu được 3-4 phần", ông nói.

Hà Nội những ngày gần đây nắng "điên đảo". Có hôm trời nóng đến 39-40 độ C. Nhưng nó không thể ngăn trở những kế hoạch và niềm đam mê của Yamamoto. Cùng với các đồng sự ở đơn vị trực tiếp tổ chức chương trình Veba, cựu HLV trưởng CLB nổi tiếng Jubilo Iwata hối hả đến những điểm đăng ký, đến sân bãi tổ chức... để góp ý và chỉnh sửa.

"Chúng tôi vẫn biết về sự nghiêm khắc và chính xác trong cách làm việc của người Nhật Bản. Nhưng, sự nhiệt tình của ông ấy vẫn khiến chúng tôi nể sợ, và cảm thấy mình cũng phải cố gắng hoàn thành trọng trách để trại hè là một nơi đến thường xuyên và đáng mong chờ của các em nhỏ Hà Nội", ông Nguyễn Anh Sáng - Giám đốc công ty Veba - cho hay. 

Quả thực, nếu cần một ai đó có thể định hướng cho bóng đá trẻ Việt Nam, thì Yamamoto chính là người phù hợp. Bởi với kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển trẻ Nhật Bản tham dự vòng chung kết giải trẻ thế giới 1997, tham dự Thế vận hội 2004... rồi hiện tại là nhà sản xuất chương trình bóng đá trẻ và bình luận viên của Đài truyền hình NHK, Yamamoto hội đủ những bài học, kinh nghiệm và có thể nhìn nhận vấn đề đào tạo từ nhiều góc cạnh khác nhau.


Doãn Mạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét