Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Sân bóng đá cỏ nhân tạo nở rộ ở Sóc Trăng

Hiện nay, việc xây dựng mô hình sân bóng bằng cỏ nhân tạo đã, đang “nở rộ” khắp các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh Sóc Trăng. Việc hình thành loại mô hình sân bóng đá phù hợp với xu thế hiện nay, không chỉ góp phần tạo điều kiện cho bóng đá tỉnh nhà phát triển mà còn góp phần thúc đẩy phong trào xã hội hóa về TDTT của địa phương.

Cách nay chưa đầy một thập niên, tại một số địa phương trong tỉnh, nhiều nông dân đã phá vườn cây ăn trái kém hiệu quả để làm sân bóng đá mini, nhằm tạo điều kiện cho những người hâm mộ môn thể thao “vua” có dịp thi đấu cọ xát với nhau. Đây được xem là bước khởi đầu cho công tác xã hội hóa về TDTT tại các địa phương có phong trào bóng đá mạnh.

Sân bóng đá cỏ nhân tạo nở rộ ở Sóc Trăng

Giờ đây, trong xu thế phát triển bóng đá hiện đại, đi đôi với khoa học kỹ thuật, những sân bóng có thể làm bằng cỏ nhân tạo là chuyện không ngờ trong tầm tay của người dân Việt. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 10 sân bóng đá đã và đang hoạt động rất hiệu quả, luôn thu hút rất đông giới trẻ. Với xu thế số người dân tham gia tập luyện TDTT ngày càng tăng, nhưng hệ thống sân bãi không đủ đáp ứng cho nhu cầu, đặc biệt sân bãi của môn thể thao như bóng đá. Trong khi sân vận động của tỉnh thì chưa có, nên việc người dân dám nghĩ, dám đầu tư sân bóng đá cỏ nhân tạo là bước đột phá mới trong công tác xã hội hóa thể thao, không chỉ tháo gỡ phần nào khó khăn về cơ sở vật chất mà còn thúc đẩy phong trào bóng đá ở từng địa phương thêm khởi sắc.

Năm 2010, tam ông Vinh Phong Cơ là những người đầu tiên xây dựng 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo trong tỉnh. Sân được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Sóc Trăng. Mặt sân bóng thi đấu trên tổng diện tích là 3.500m2, với tổng kinh phí đầu tư 1,75 tỷ đồng. Công trình này đã đi vào hoạt động hiệu quả cho tới nay. Ông Lâm Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Sóc Trăng cho biết: “Ưu điểm của sân bóng đá - cỏ nhân tạo là không hạn chế thời gian chơi, vì đã có hệ thống đèn chiếu sáng cao áp tạo cảm giác thoải mái giống như đang chơi ở một sân bóng chuẩn, có hệ thống cỏ nhân tạo đạt chuẩn FIFA, an toàn có hệ thống rào chắn, đảm bảo người chơi có cảm giác sảng khoái từ khi bóng lăn cho đến kết thúc”. Sân bóng đá cỏ nhân tạo tại TP. Sóc Trăng là một mô hình hoàn toàn mới của tỉnh nhà, nó thích hợp cho sự phát triển của bóng đá phong trào, có thể sử dụng luyện tập và thi đấu trong mọi thời tiết. Cỏ nhân tạo được sản xuất từ sợi Fibre cao cấp, được cấu tạo từ chất Politero là một loại nhựa tổng hợp có độ dẻo cao, kết cấu nguyên liệu không ảnh hưởng đến môi trường, có đặc tính giống cỏ tự nhiên được phủ trên nền đất có lớp hạt cao su và cát.
Sân bóng đá cỏ nhân tạo nở rộ ở Sóc Trăng

Bước đầu cho thấy, việc ra đời các sân cỏ nhân tạo không chỉ giải quyết nhu cầu tập luyện TDTT mà còn góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên ở địa phương. Thay vào những trò chơi vô bổ, tụ tập, giới trẻ chuyển sang chơi bóng đá nhiều hơn đã tạo sân chơi thú vị cho các vị “vua” sân cỏ tham gia tập luyện thi đấu. Hằng ngày, sân cỏ luôn tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng qua các trận đấu của những cầu thủ “nghiệp dư” đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Đặc biệt, các ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật, các sân đều có lịch đăng ký chật kín cả ngày lẫn buổi tối. Anh Trần Văn Thái ở Phường 8 bộc bạch: “Sau khi tan ca, chiều nào tụi tôi cũng phải ra sân tập luyện để tăng cường sức khỏe, lao động tốt, nhưng cũng phải điện đăng ký với chủ sân trước để sắp lịch, nếu không “Alô” trước thì khó có lịch chen vào”.

Trước phong trào xã hội hóa TDTT thông qua việc xây dựng sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo mang lại hiệu quả, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Sóc Trăng lần lượt có những tư nhân khác đầu tư và đến nay đã phát triển được gần chục sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, như: Minh Quân (Phường 2), Phường 4, Phường 8, Trường Chính trị tỉnh… Tiếp đó, đến sân bóng đá ở các huyện, thị xã, như: Trung Bình (Trần Đề), Phú Lộc (Thạnh Trị), Phường 1 của TX. Vĩnh Châu, thị trấn Ngã Năm (Ngã Năm), Trường Cao đẳng Sư Phạm Sóc Trăng (Mỹ Xuyên). Ưu điểm của loại sân bóng này là hạn chế được những rủi ro, va chạm trong thi đấu và giúp cho thanh - thiếu niên có thể luyện tập cả buổi trưa và buổi tối. Ngoài ra, phần lớn các sân bóng nằm trong khuôn viên quán cà phê nên thu hút rất đông thanh - thiếu niên yêu thích môn bóng đá đến xem, luyện tập. Đây còn là nơi các CLB bóng đá ở địa phương luyện tập và tổ chức tốt các giải thi đấu bóng đá giao hữu, thậm chí một số cơ quan, ban, ngành huyện, tỉnh tổ chức các giải đấu và hội thao, nhằm chào mừng các sự kiện, ngày lễ trọng đại của đất nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng - Trần Văn Hùng, mô hình sân bóng đá mini cỏ nhân tạo phát triển rầm rộ đã mở ra một sân chơi mới cho những người yêu thích môn thể thao “vua”; đồng thời tạo tiền đề cơ sở vật chất giúp cho phong trào luyện tập TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, thu hút nhiều cầu thủ “nghiệp dư”. Có thể xem, các sân bóng ra đời góp phần tạo sân chơi thú vị cho tuổi trẻ khi thiếu sân chơi. Với sự xuất hiện của những sân cỏ nhân tạo như thế đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của đông đảo người hâm mộ Sóc Trăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét